BS. Lê Thế Kiên
Khoa can thiệp tĩnh mạch
Bệnh viện Tim Hà Nội
Ở 70 – 80% phụ nữ mắc suy giãn tĩnh mạch thai kỳ, các triệu chứng xuất hiện trong 3 tháng đầu thai kỳ, thường trong vòng 2-3 tuần sau khi phụ nữ mang thai. Khi thấy xuất hiện các triệu chứng ĐAU CHÂN, SƯNG CHÂN, NẶNG CHÂN, CHUỘT RÚT đọc bài viết bên dưới để biết cần làm gì bạn nhé!
1. Suy giãn tĩnh mạch khi mang thai là gì?
Tĩnh mạch ở chân có nhiệm vụ đảm bảo máu chảy ngược về tim. Để hỗ trợ quá trình này, các tĩnh mạch được thiết kế với một loạt các van, đóng lại giữa các nhịp tim để ngăn máu chảy ngược.
Suy giãn tĩnh mạch, xảy ra khi một van yếu đi, gây thêm áp lực lên các van khác và khiến máu bị ứ đọng tại các tĩnh mạch ở chân. Sau đó, tĩnh mạch trở nên căng phồng, sưng lên ở khu vực đó thành một quả bóng nhỏ gần bề mặt da. Các tĩnh mạch nông ở chân giãn to, nổi ngoằn ngoèo trên chân và/hoặc xuất hiện các triệu chứng ĐAU CHÂN, SƯNG CHÂN, NẶNG CHÂN, CHUỘT RÚT gây khó chịu cho người bệnh.
Van tĩnh mạch suy yếu
2. Các triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch khi mang thai
Khi phụ nữ có thai bị suy giãn tĩnh mạch, các triệu chứng biểu hiện cũng tương tự giống như người bình thường.
- Cũng có thể chỉ biểu hiện giãn các tĩnh mạch ở chân mà không xuất hiện các triệu chứng như đau chân, nặng chân. Nhưng khi đứng hoặc ngồi lâu thì các triệu chứng cũng sẽ biểu hiện rõ hơn.
- Đôi khi các triệu chứng đau chân, nặng chân xuất hiện mà không thấy các tĩnh mạch giãn ở chân nhưng thực tế là do các nhánh tĩnh mạch giãn ở dưới bề mặt da và chưa nổi lên hoặc các tĩnh mạch chính ở sâu hơn bên dưới đã bị suy rất nặng và gây ra các triệu chứng.
Các triệu chứng bao gồm:
- Cảm giác nặng nề ở chân như đeo tạ.
- Ngứa ở chân quanh các tĩnh mạch bị giãn.
- Chuột rút ở chân, đặc biệt xuất hiện về ban đêm.
- Đau, nhức, nhói ở cẳng chân.
- Chân bứt rứt không yên, cảm giác tê bì như kiến bò.
- Sưng (phù nề) ở chân và mắt cá chân.
Ngoài ra có thể xuất hiện một số biến chứng nếu tình trạng suy giãn tĩnh mạch quá nặng nề bao gồm:
- Huyết khối (cục máu đông) trong các tĩnh mạch giãn. Thậm chí huyết khối này di chuyển vào các tĩnh mạch sâu và có thể di chuyển lên tim và mạch máu ở phổi gây nguy hiểm đến tính mạng.
- Chảy máu ở các tĩnh mạch giãn
- Loét chân ở vị trí các tĩnh mạch suy giãn.
3. Nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch ở phụ nữ có thai
Suy giãn tĩnh mạch bình thường gặp nhiều hơn ở phụ nữ so với nam giới. Mang thai được cho là một yếu tố chính góp phần làm tăng tỉ lệ mắc chứng giãn tĩnh mạch ở phụ nữ và ảnh hưởng đến khoảng 40% phụ nữ mang thai.
- Bằng chứng cho thấy phụ nữ đã sinh con (đã từng mang thai) có tỉ lệ mắc suy giãn tĩnh mạch cao hơn so với phụ nữ chưa sinh con (không mang thai trước đó) và phụ nữ đã sinh nhiều con (hơn một lần mang thai trước đó) có nguy cơ cao nhất.
- Ở 70 – 80% phụ nữ mắc suy giãn tĩnh mạch thai kỳ, các triệu chứng xuất hiện trong ba tháng đầu thai kỳ, thường trong vòng 2-3 tuần sau khi phụ nữ mang thai.
Những yếu tố góp phần làm gia tăng nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch ở phụ nữ có thai xảy ra do sự thay đổi về giải phẫu và sinh lý khi mang thai gây ra:
- Sự thay đổi nồng độ hormone: Tăng hormone progesterone (gây giãn cơ thành mạch máu) và relaxin (gây giãn các tĩnh mạch vùng chậu và chi dưới), dẫn đến giãn các tĩnh mạch và suy van tĩnh mạch, cản trở sự di chuyển máu trong cơ thể.
- Trọng lượng tăng: Tử cung đang phát triển gây áp lực lên các tĩnh mạch vùng chậu và tĩnh mạch chủ dưới làm tăng huyết áp tĩnh mạch chân dẫn đến ảnh hưởng sự phát triển suy giãn tĩnh mạch. Khi em bé lớn lên và tử cung mở rộng, các tĩnh mạch càng nổi rõ hơn.
- Suy giãn tĩnh mạch và phù chân: Do máu lưu thông chậm và chất lỏng tích tụ trong các mô, đặc biệt ở bàn chân và mắt cá chân.
- Tăng thể tích tuần hoàn: Tăng gánh nặng dòng máu trở về lên các tĩnh mạch ở chân của mẹ dễ gây suy các van tĩnh mạch hơn.
4. Còn yếu tố nguy cơ nào khác có thể gây suy giãn tĩnh mạch thai kỳ?
- Di truyền: Nếu có bố và/hoặc mẹ bị suy giãn tĩnh mạch thì nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch sẽ tăng cao. Các báo cáo cho thấy nếu có cả bố hoặc mẹ bị bệnh thì nguy cơ mắc bệnh lên đến 90% và nếu như có bố hoặc mẹ bị bệnh thì phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh lên đến 65%.
- Cân nặng tăng: Cân nặng và chu vi vòng eo đều là thước đo của tình trạng béo phì. Một số nghiên cứu đã tìm thấy mối liên quan giữa béo phì với bệnh suy giãn tĩnh mạch làm tăng áp lực lên đôi chân.
- Chế độ ăn uống: một chế độ ăn thiếu chất xơ đặc biệt khi mang thai sẽ làm gia tăng nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch. Một số nghiên cứu đã xem xét các yếu tố chế độ ăn uống và bệnh tĩnh mạch đã chỉ ra rằng chế độ ăn “phương Tây” nhiều carbohydrate tinh chế, ít chất xơ làm tăng nguy cơ giãn tĩnh mạch.
5. Làm sao để phát hiện suy giãn tĩnh mạch ở phụ nữ có thai?
Khi bạn thấy xuất hiện các triệu chứng như ĐAU CHÂN, SƯNG CHÂN, NẶNG CHÂN, CHUỘT RÚT sau khi mang thai từ vài tuần hoặc thấy giãn các nhánh tĩnh mạch trên bề mặt da (nổi gân xanh) hãy nghĩ đến tình trạng suy giãn tĩnh mạch nhé!
Để chẩn đoán chính xác hãy đến cơ sở y tế và gặp bác sĩ chuyên sâu về mạch máu. Bạn có thể sẽ được làm siêu âm Doppler mạch máu để chẩn đoánh chính xác tình trạng suy giãn tĩnh mạch chi dưới cũng như phát hiện các biến chứng có thể xảy ra nếu có.
Siêu âm Doppler phát hiện tình trạng suy giãn tĩnh mạch
6. Thay đổi lối sống ảnh hưởng thế nào đến suy giãn tĩnh mạch thai kỳ?
Thông thường tình trạng suy giãn tĩnh mạch sẽ cải thiện sau khi sinh con từ 3-4 tháng. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ càng TỒI TỆ HƠN ở những lần mang thai tiếp theo. Bạn có thể thực hiện những thói quen bên dưới giúp phòng ngừa và giảm bớt tình trạng suy giãn tĩnh mạch khi mang thai:
- Tránh ĐỨNG LÂU NGỒI NHIỀU trong thời gian dài.
- Không mang giày cao gót, mang dép hoặc giày bệt nhằm tăng hồi lưu máu từ bàn chân về tim.
- Tập thể dục thường xuyên (cần có sự tư vấn của các bác sĩ với các bài tập an toàn cho phụ nữ có thai).
- Nằm nghiêng về bên trái để tránh tử cung đè ép vào tĩnh mạch chủ dưới (tĩnh mạch dẫn máu chính từ chân về tim) nhằm giảm áp lực lên các tĩnh mạch ở chân. Kê cao chân 15-20 cm khi ngủ giúp giảm triệu chứng ĐAU CHÂN, SƯNG CHÂN, NẶNG CHÂN
- Ăn chế độ ăn nhiều chất xơ và tránh ăn quá nhiều muối có thể gây tăng thể tích tuần hoàn cơ thể.
- Ngâm chân vào NƯỚC MÁT giúp làm giảm thể tích máu ở các tĩnh mạch chân.
- Bấm huyệt, xoa bóp mát-xa chân giúp tăng hồi lưu máu trở về.
- Mang tất áp lực ban ngày giúp tăng hồi lưu máu từ các tĩnh mạch chân về tim.
Các biện pháp điều trị can thiệp hay phẫu thuật KHÔNG ĐƯỢC KHUYẾN CÁO trong lúc mang thai. Nếu có chỉ định các phương pháp này sẽ được thực hiện sau sinh khoảng 3 tháng sau khi bác sĩ đánh giá lại tình trạng của bạn. Dùng thuốc điều trị suy giãn tĩnh mạch trong quá trình mang thai chưa có nhiều bằng chứng về mức độ ăn toàn, do đó không nên sử dụng nếu không có chỉ định của bác sĩ. [1], [2], [3], [4]
Cùng lưu lại bài viết và tuân thủ theo để có một thai kỳ thật khỏe mạnh mẹ bầu nhé! Đừng quên truy cập website daflon.com.vn để đọc thêm nhiều bài viết hay khác nhé!
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. R. M. Smyth, N. Aflaifel và A. A. Bamigboye (2015). Interventions for varicose veins and leg oedema in pregnancy. Cochrane Database Syst Rev, 2015 (10), CD001066.
2. J. L. Beebe-Dimmer, J. R. Pfeifer, J. S. Engle và cộng sự (2005). The epidemiology of chronic venous insufficiency and varicose veins. Ann Epidemiol, 15 (3), 175-184.
3. P. Gloviczki, A. J. Comerota, M. C. Dalsing và cộng sự (2011). The care of patients with varicose veins and associated chronic venous diseases: clinical practice guidelines of the Society for Vascular Surgery and the American Venous Forum. J Vasc Surg, 53 (5 Suppl), 2S-48S.
4. C. Wittens và A. H. Davies; (2015). Clinical Practice Guidelines of the European Society for Vascular Surgery (ESVS). European Journal of Vascular & Endovascular Surgery, 49 (6), 678-737.
SERV-CVD-27-10-2023(3)