BS CKI. Võ Thanh Tuyền
Khoa Nội tiêu hóa
Bệnh viện Nhân dân 115
Các triệu chứng của bệnh trĩ như ngứa ngáy khó chịu, chảy máu và đau vùng hậu môn. Người bị bệnh trĩ có thể sờ thấy búi trĩ hoặc không thấy. Để góp phần mang lại giá trị thực sự cho người bệnh, bài viết này chia sẻ thông tin y khoa chính xác về điều trị cơ bản theo triệu chứng và nhấn mạnh vào vai trò của điều trị bảo tồn nội khoa (điều trị không xâm lấn)
1. Thực trạng bệnh trĩ ở Việt Nam
2. Phân loại và phân độ bệnh trĩ
3. Tiếp cận điều trị theo triệu chứng bệnh trĩ
4. Điều trị bảo tồn trong bệnh trĩ
1. Thực trạng bệnh trĩ ở Việt Nam
Bệnh trĩ là bệnh phổ biến nhất ở vùng hậu môn – trực tràng, tỷ lệ mắc trong cộng đồng khoảng 50%. Dân gian thường truyền nhau “Thập nhân cửu trĩ”, gặp ở cả nam và nữ. Bệnh tuy phổ biến nhưng hiếm khi nguy hiểm, chủ yếu gây sự khó chịu và bất tiện cho người bệnh.
Phân loại trĩ nội (khởi phát trên đường lược) và trĩ ngoại (khởi phát dưới đường lược)
Phần lớn người mắc bệnh trĩ thường TỰ CHẨN ĐOÁN VÀ TỰ ĐIỀU TRỊ, tìm kiếm thuốc và sản phẩm điều trị không cần kê toa trước khi đi khám. Điều này cũng hợp lý vì bệnh vốn nằm ở vị trí khó nói và không tiện thăm khám. Tuy nhiên, theo thống kê khoảng 40% các thông tin bạn tìm thấy trên mạng về bệnh trĩ không đầy đủ, nó thường mang tính chất QUẢNG CÁO sản phẩm nhiều hơn là thông tin cần thiết cho người mắc bệnh 4. Để góp phần mang lại giá trị thực sự cho người bệnh, bài viết này dùng để chia sẻ thông tin điều trị cơ bản theo triệu chứng và nhấn mạnh vào vai trò của điều trị bảo tồn nội khoa (điều trị không xâm lấn).
2. Phân loại và phân độ bệnh trĩ
Xét ở khía cạnh chuyên ngành, bệnh trĩ được phân loại thành trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp. Sự phân chia này dựa vào giải phẫu ống hậu môn (Hình 1). Mỗi loại trĩ khác nhau gây ra triệu chứng và biến chứng khác nhau.
- Trĩ nội thường gây triệu chứng chảy máu, sa búi trĩ, ngứa ngáy và khó chịu hậu môn do viêm da quanh hậu môn, nặng nề hơn là đau dữ dội khi có kèm theo nứt hậu môn, áp xe cạnh hậu môn hoặc huyết khối và sa trĩ nghẹt; trên thực hành, trĩ nội được chia thành 4 độ.
Bảng 1. Phân độ trĩ nội
Độ 1 |
Nằm trong ống hậu môn |
Độ 2 |
Sa ra khi đi cầu, tự thụt vào được |
Độ 3 |
Sa ra ngoài khi đi cầu, phải đẩy mới vào |
Độ 4 |
Sa thường xuyên ra ngoài |
- Trĩ ngoại đa phần không triệu chứng trừ khi có tắc mạch, người bệnh đau dữ dội tại vị trí búi trĩ.
3. Tiếp cận điều trị theo triệu chứng bệnh trĩ
Điều trị bệnh trĩ bao gồm điều trị bảo tồn (còn gọi là điều trị thuốc hay điều trị không xâm lấn), phương pháp dùng dụng cụ (chích xơ, thắt trĩ bằng vòng cao su, quang đông hồng ngoại) và phẫu thuật (phẫu thuật Longo, cắt trĩ từng búi…). Tùy trường hợp mà có thể chọn phương pháp phù hợp dựa vào triệu chứng và biến chứng của người bệnh.
Tần suất mắc bệnh cao nhưng đa phần người có trĩ nhỏ và không có triệu chứng. Triệu chứng có thể xuất hiện trong những đợt cấp thường gặp nhất là ngứa ngáy, khó chịu da quanh hậu môn, chảy máu, đau và sa trĩ.
- Ngứa ngáy và khó chịu hậu môn: gặp ở cả trĩ nội và trĩ ngoại, thường do trình trạng viêm niêm mạc, lỗ hậu môn vốn được bao phủ bởi da nên khi búi trĩ sa ra ngoài thường kéo theo niêm mạc trong ống hậu môn, niêm mạc vốn mỏng manh, dễ trầy sướt và bề mặt ẩm ướt.
Có thể đáp ứng tốt với kem thoa chứa thuốc tê hoặc hydrocortisone và ngâm nước ấm. Lưu ý đối với các điều trị tại chỗ, không nên điều trị quá 1 tuần vì tác dụng phụ có thể gặp như viêm da tiếp xúc với kem chứa thuốc tê, teo niêm mạc với kem có chứa corticoid. Nếu không giảm đau sau 1 tuần, có thể thử đổi sang nhóm kem có chứa nonsteroid.
- Trĩ chảy máu: trĩ chảy máu là trĩ nội và đa phần chảy máu thường tự giới hạn, trĩ ngoại không gây chảy máu- trừ trường hợp thuyên tắc trĩ ngoại. Điều trị trĩ chảy máu thường khởi đầu bằng điều trị bảo tồn như thay đổi chế độ ăn, thuốc thoa ngoài. Chảu máu không tự cầm trong trĩ nội xuất huyết có thể làm thủ thuật phòng khám như thắt thun; còn với trĩ ngoại, điều trị thường là phẫu thuật.
- Đau hậu môn do trĩ nếu như đau nhiều có thể là dấu hiệu trĩ nội sa nghẹt hoặc trĩ ngoại biến chứng tắc mạch. Điều trị bảo tồn trong những trường hợp này thường hiệu quả. Trừ trường hợp người bệnh đau dữ dội và thuyến tắc trĩ ngoại. Cũng nhấn mạnh rằng trong những trường hợp trĩ nội độ 3 và 4 thường không tự tụt vào lại với điều trị nội thì cũng đòi hỏi can thiệp.
- Sa búi trĩ: búi trĩ sa ra ngoài không thể đẩy vào lại, tồn tại thường trực gây khó chịu cho người bệnh.
Trĩ nội sa nghẹt: trĩ nội được phân thành 4 độ (Bảng 1), với tình trạng trĩ chuyển độ nhanh chóng, làm thủ thuật phòng khám hoặc phẫu thuật đem lại nhiều ưu điểm hơn. Trĩ độ 3, có thể thử với thắt vòng cao su, thường đem lại hiệu quả trong 1-2 lần làm. Nếu thắt vòng cao su không hiệu quả, phẫu thuật nên được đặt ra. Với độ 4 thì phẫu thuật nên được lựa chọn từ đầu.
Có thể dễ dàng thấy được điều trị bảo tồn nên được áp dụng trong hầu hết mọi trường hợp trĩ có triệu chứng. Điều trị trĩ theo quan điểm mới cũng nhấn mạnh vai trò của điều trị bảo tồn.
4. Điều trị bảo tồn trong bệnh trĩ
Điều trị trĩ theo quan điểm mới là bảo tồn lớp đệm hậu môn và thu nhỏ thể tích búi trĩ, ít đau do đó điều trị bảo tồn được nhấn mạnh và chiếm hơn 50% vai trò trong điều trị trĩ. Với đặc điểm bệnh đa phần gây “ngại ngùng” và hiếm khi nặng nề. Điều trị bảo tổn cơ bản bao gồm chế độ ăn nhiều chất xơ, thay đổi lối sống và điều trị giảm triệu chứng bằng kem bôi, viên đặt, thuốc trợ tĩnh mạch từ Pháp, ngâm nước ấm…
Chế độ ăn nhiều chất xơ và thay đổi lối sống
Một trong những phần quan trọng điều trị trĩ là chống táo bón, điều này có vẻ hiển nhiên vì phân cứng có thể gây xướt niêm mạc hậu môn và nỗ lực giúp phân cứng đi ra ngoài (rặn) sẽ làm gia tăng áp lực ổ bụng, gây tăng thể tích búi trĩ. Có nhiều bằng chứng có giá trị cho thấy tăng cường chất xơ trong chế độ ăn sẽ giảm tình trạng xuất huyết và sa trĩ 5. Những lời khuyên về chế độ ăn khác dựa vào suy luận hơn là số liệu cụ thể. Người bệnh trĩ nên duy trì chế độ ăn từ 20 đến 30 gram chất xơ/ ngày và uống đủ 2 lít nước/ngày. Điều này đảm bào phân mềm và đều đặn. Cần mất khoảng 6 tuần để thấy hiệu quả từ chế độ ăn này.
Bảng 2. Hàm lượng chất xơ trong thực phẩm thường gặp ở Việt Nam
Thức ăn |
Gam chất xơ/đơn vị khẩu phần |
Trái cây |
|
Táo (nguyên vỏ) |
3,5/1 quả |
Chuối |
2,5/1 trái |
Dưa lưới |
2,7/nửa trái |
Bưởi |
1,6/nửa trái |
Nho |
2,6/10 trái |
Thơm |
2,2/1 chén |
Dâu |
3,0/1 chén |
Rau (nấu chín) |
|
Đậu các loại |
3,4/1 chén |
Bắp cải |
2,9/1 chén |
Cà rốt |
4,6/1 chén |
Bông cải |
2,1/1 chén |
Khoai tây |
2,3/1 củ |
Rau (ăn sống) |
|
Dưa leo |
0,2/6-8 lát có vỏ |
Cải nồi, cải bắp |
2,0/1/4-1/6 bắp cải |
Nấm |
0,8/1 chén |
Hành tây |
1,3/1 chén |
Ớt chuông |
1,0/1 trái |
Cà chua |
1,8/1 trái |
Ngũ cốc |
|
Bánh mì trắng |
0,55/1 lát |
Bánh mì nguyên cám |
1,66/1 lát |
Gạo trắng (đã nấu= cơm) |
0,6/ 1 chén |
Gạo lức |
2,4/1 chén |
Người bệnh không thể lấy đủ chất xơ từ chế độ ăn, có thể bổ sung qua một số sản phẩm chứa chất xơ có thành phần psyllium, methylcellulose, polycarbophil… Bắt đầu với liều thấp tăng dần để tránh tác dụng phụ, các sản phẩm này cũng mang lại hiệu quả phòng ngừa táo bón.
Một số lời khuyên về thay đổi lối sống ngoài chế độ bổ sung chất xơ đó là: tránh ngồi toilet quá lâu (bỏ thói quen đọc sách báo hoặc xem điện thoại khi đi vệ sinh), tập thể dục đều đặn, hạn chế thức ăn béo và uống rượu bia vì có thể gây táo bón.
Ngâm nước ấm
Trong những trường hợp trĩ cấp, nhằm giúp giảm viêm và phù nề cũng như giảm co thắt cơ vòng. Ngâm hậu môn vào chậu nước ấm trong 10-15 phút, 2-3 lần/ngày được chứng minh hiệu quả giảm triệu chứng. Lưu ý là không bỏ thêm xà phòng, dầu tắm, muối hay bất kì chất khác vào chậu ngâm.
Chậu ngâm trĩ
Trên đây là phần đầu trong phương pháp điều trị bảo tồn gồm chế độ ăn và thay đổi lối sống. Đọc tiếp phần 2 để hiểu biết thêm về các phương pháp điều trị bảo tồn bằng thuốc tại website daflon.com.vn bạn nhé!