Chích xơ tĩnh mạch là phương pháp giúp khôi phục vẻ đẹp đôi chân cho bệnh nhân suy tĩnh mạch. Phương pháp này có hiệu quả không? Cùng tìm hiểu nhé!
1. CHÍCH XƠ TĨNH MẠCH LÀ GÌ?
Chích xơ tĩnh mạch hay tiêm xơ tĩnh mạch là phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch nông ít xâm lấn. Ở phương pháp này, bác sĩ tiến hành tiêm một chất gây xơ (dạng dịch lỏng hoặc dạng bọt) vào lòng của tĩnh mạch bị bệnh. Chất này sẽ gây xơ hóa thành tĩnh mạch. Thành tĩnh mạch sau đó dính lại với nhau, kết quả gây đóng các tĩnh mạch bị giãn. Từ đó, cải thiện các triệu chứng ĐAU CHÂN, SƯNG CHÂN, NẶNG CHÂN do suy giãn tĩnh mạch.
2. HAI PHƯƠNG PHÁP CHÍCH XƠ TĨNH MẠCH HIỆN NAY
Trước đây, liệu pháp xơ hóa chủ yếu là sử dụng chất xơ hóa dạng lỏng. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nghiên cứu chỉ ra phương pháp xơ hóa bằng chất tạo bọt đang thể hiện những ưu thế vượt trội có thể kể đến như:
- Liệu pháp xơ hóa bằng bọt tốt hơn liệu pháp xơ hóa lỏng vì chất tạo bọt có thể tiếp xúc với nội mô tĩnh mạch trong một thời gian dài hơn so với việc tiêm chất lỏng.
- Tỷ lệ đóng của tĩnh mạch hiển lớn (Great Saphenous Vein – GSV) được điều trị bằng chích xơ tạo bọt cao hơn so với chất xơ hóa lỏng.
- So với liệu pháp xơ hóa lỏng, liệu pháp bọt có thể đạt được hiệu quả điều trị tốt hơn khi nói đến chiều dài của các tĩnh mạch bị xơ cứng hay tỷ lệ biến mất hoàn toàn của chứng giãn tĩnh mạch.
- Ngoài ra, tỷ lệ tái phát của liệu pháp xơ hóa bọt thấp hơn so với liệu pháp xơ hóa lỏng (4,55% ở liệu pháp xơ hóa bọt, 13,64% ở liệu pháp xơ hóa lỏng).
Mặc dù liệu pháp điều trị bằng bọt có tỷ lệ biến chứng cao hơn, nhưng nó có thể đạt được hiệu quả lâm sàng ổn định hơn trong điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới so với liệu pháp xơ hóa lỏng. [1]
3. ƯU ĐIỂM CỦA CHÍCH XƠ TĨNH MẠCH
- Chích xơ tĩnh mạch có thể nói là phương pháp khôi phục thẩm mỹ đôi chân tối ưu nhất trong các biện pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch.
- Chích xơ tĩnh mạch là phương pháp điều trị đơn giản, ít tốn kém so với các phương pháp điều trị khác. Bệnh nhân ít phải chịu đau đớn trong quá trình điều trị.
- Thời gian thực hiện nhanh chóng, bệnh nhân có thể về trong ngày; không cần phải ở lại bệnh viện; không mất quá nhiều thời gian nghỉ dưỡng.
4. LƯU Ý VỀ PHƯƠNG PHÁP CHÍCH XƠ
Thực hiện chích xơ tĩnh mạch phải có sự chỉ định của bác sĩ. Các bác sĩ có chuyên môn sẽ là người tiến hành cho bệnh nhân giãn tĩnh mạch. Mặc dù đây là phương pháp ít xâm lấn, không đòi hỏi nhiều trang thiết bị phức tạp; kỹ thuật thực hiện yêu cầu độ chuẩn xác cao. Nếu tiêm ngoài mạch máu, chất xơ hóa có thể gây hoại tử da và các mô dưới da.
5. THEO DÕI VÀ CÁC LƯU Ý HẬU CHÍCH XƠ
- Hầu hết các hoạt động hàng ngày như đi lại, làm việc có thể thực hiện bình thường ngay sau khi chích xơ. Khuyến khích các vận động nhẹ nhàng hỗ trợ tăng lưu thông máu như đi bộ, thực hiện các động tác xoay cổ chân, nâng chân,… Lưu ý tránh các vận động nặng, gây áp lực lên chân.
- Mang tất y khoa hậu chích xơ giúp lòng tĩnh mạch bị viêm do chích xơ sẽ dính với nhau, các dòng máu chảy ngược không còn chảy qua các tĩnh mạch bị bệnh.
- Vùng được điều trị tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời nhằm hạn chế các biến chứng rối loạn sắc tố da.
- Nếu phát hiện có vết loét tại vị trí tiêm hay các triệu chứng bất thường khác (sưng, đau,…) cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn kịp thời.
6. CHÍCH XƠ CÓ THỂ ĐIỀU TRỊ KHỎI HOÀN TOÀN TÌNH TRẠNG GIÃN TĨNH MẠCH?
Phương pháp này cho hiệu quả làm tắc các tĩnh mạch bị giãn khá cao ngay sau khi chích. Tuy nhiên, một số tĩnh mạch có thể sẽ bị thông trở lại sau một thời gian điều trị. Bên cạnh đó, nếu người bệnh chủ quan khi thấy triệu chứng mất đi và tiếp tục có lối sống không lành mạnh như đi giày cao gót, mặc quần bó sát, ngồi vắt chéo chân,… hay vì tính chất công việc phải thường xuyên đứng lâu/ ngồi nhiều; tình trạng giãn tĩnh mạch vẫn có thể sẽ tái phát.
Chúc các độc giả của daflon.com.vn luôn giữ sức khỏe thật tốt. Không nên chủ quan với bất kỳ dấu hiệu nào dù là nhỏ nhất. Bởi vì, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”! Hãy tiếp tục theo dõi và ủng hộ các bài viết tiếp theo của Daflon 500mg nhé! Đừng quên chia sẻ những thông tin về bệnh lý suy giãn tĩnh mạch đến người thân và bạn bè để tạo nên một cộng đồng với thật nhiều đôi chân khỏe mạnh!
Bài viết có sử dụng hình ảnh từ Internet.
TLTK:
[1] Bi M, Li D, Chen Z, Wang Y, Ren J, Zhang W. Foam sclerotherapy compared with liquid sclerotherapy for the treatment of lower extremity varicose veins: A protocol for systematic review and meta analysis. Medicine (Baltimore). 2020;99(22):e20332.
SERV-CVD-09-08-2024(7)